Đàn bà và rượu vang

Tôi không hiểu tại sao các cụ ta hồi trước chỉ thích ngồi khề khà uống rượu với đám bạn đàn ông, hoặc nếu không có bạn thì đành ngồi độc ẩm, nâng ly nhấm nháp một mình vậy. Các cụ rất ít khi – hoặc chẳng bao giờ – chia sẻ cái thú thưởng thức ly rượu ngon với người bạn hồng nhan tri kỷ của mình. Cụ Nguyễn Khuyến, khi nghe tin người bạn đồng song là cụ Dương Khuê từ trần, đã làm thơ khóc bạn:

Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua…

Vậy còn cụ bà đó thì sao? Cớ gì mà nhà thơ Yên Đổ lại không cứ tiếp tục mua rượu để uống chơi với cụ bà? Hay là tại cụ bà không biết uống rượu chăng?

Tôi nghĩ cái nguyên nhân chính có lẽ là quan niệm trọng nam khinh nữ của xã hội Á Đông thời trước. Thời ấy, chỉ có đàn ông mới được uống rượu và được khuyến khích uống rượu. “Nam vô tửu như kỳ vô phong.” Còn đàn bà thì được dạy là phải chui vào xó bếp, lo công việc tề gia nội trợ, phục vụ đức ông chồng và làm bổn phận đẻ con nối dõi tông đường, thế là hết. Ở đó mà đòi uống rượu! Đã không được phép nếm rượu từ thuở còn con gái thì các bà làm sao chén tạc chén thù được với đức lang quân sau này?

Thế nhưng khi đẩy phái nữ vào xó bếp, quý vị đàn ông đã tự tước bỏ đi của mình cái thú được chia sẻ với người đẹp những niềm vui thanh nhã của cầm kỳ thi tửu. Quý vị thiệt thòi biết bao nhiêu!

Thực ra thì lâu lâu người ta cũng thấy có những trường hợp ngoại lệ, những người đàn ông đáng gọi là “tiến bộ” như chàng Kim Trọng trong tác phẩm của Nguyễn Du chẳng hạn. Chàng này khi tìm lại được Thúy Kiều sau 15 năm lưu lạc giang hồ, đã bất chấp những thành kiến của thời đại để cùng nàng chung sống chuỗi ngày hạnh phúc:

Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên…

Thế có phải là sảng khoái không nào?

Ngày nay, chúng ta hơn các cụ ở chỗ chúng ta có cái thú vui được mời người đẹp đi “date”, đi ăn cơm tây uống rượu chát lu bù. Bạn hãy thử tưởng tượng coi, bạn đưa nàng vào một tiệm ăn nho nhỏ, ấm cúng, ngồi đối diện với nàng bên ngọn nến lung linh. Bạn kêu một chai rượu đỏ. Rượu được rót ra ly, óng ả như màu hồng ngọc và thơm ngát mùi nho chín lên men. Bạn cụng ly với nàng, rồi trìu mến nhìn những ngón tay thon nhỏ của nàng cầm ly rượu đong đưa trước mặt. Bạn sẽ thấy nàng đẹp hẳn lên, cặp mắt nàng như long lanh tình tứ hơn, đôi môi nàng chín mọng hơn và gò má nàng phản ánh màu rượu đỏ dường như cũng hồng hơn. Bạn sẽ nhận ra câu thơ Thôi Hộ là hay tuyệt: “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”. Ở đây không có hoa đào nhưng đã có màu rượu vang thay thế. Rượu vang làm tôn nhan sắc của người đẹp lên gấp bội.

Hồi xưa, khi còn là cậu sinh viên mới lớn ở Saigon, tôi đã bị quyến rũ bởi những bài thơ vừa mới mẻ vừa lãng mạn của các ông Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, những người có cái may mắn được đi du học ở bên Pháp vào thời ấy. Tôi tưởng tượng ra cảnh mấy ông đưa đào đi uống rượu vào một buổi chiều giá lạnh bên tả ngạn sông Seine mà thèm:

Mùa Thu Paris,
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ,
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly.

Ngồi uống rượu với các nàng, chẳng những ta có cảm tưởng là chai rượu ngon hơn hẳn lên, mà về rất nhiều phương diện ta còn thấy rượu vang giống hệt với đàn bà nữa. Thật vậy, khi rót ra một ly rượu vang, ta thưởng thức trước hết là màu rượu. Dù đó là màu đỏ thẫm của rượu Bordeaux, màu đỏ hồng của rượu Bourgogne, hay màu vàng như hổ phách của rượu Sauternes để lâu năm, ta đều yêu cái nét óng ả của nó và ta gọi đó là “la robe du vin”, cũng ví như cái áo nàng mặc đang làm tôn vẻ đẹp của nàng. “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường”, ông Nguyên Sa đã nói như vậy.

Kế đó là vị rượu. Nó gồm đủ cả vị chua, vị chát, vị đắng, vị ngọt. Thì đàn bà chẳng cho chúng ta đủ thứ mùi vị đó hay sao?

Những lúc nàng hờn ghen, giận dỗi, mỉa mai, gắt gỏng hay âu yếm, nũng nịu là những lúc chúng ta được nếm qua tất cả những ngọt bùi, chua chát, nồng nàn hay đắng ngắt của cuộc tình.

Rượu vang còn giống đàn bà ở chỗ tự nó có hương thơm ngào ngạt. Tôi không biết Ỷ Lan vương phi hồi xưa có mùi thơm tự nhiên tỏa ra như thế nào mà khi nàng đứng tựa dàn hoa thì mùi hương của da thịt nàng át hẳn trăm hoa, khiến cho nhà vua mê tít. Đời bây giờ tuy chẳng mấy nàng có được cái mùi thơm hấp dẫn tự nhiên như Ỷ Lan nhưng bù lại thì các nàng đã có bao nhiêu thứ son phấn, nuớc hoa từ Chanel, Guerlain cho đến Dior, Hermes.

Ngay đến gái quê mộc mạc cũng lấy hoa chanh, hoa bưởi, hoa thiên lý cài lên tóc hay dắt vào mình cho thơm. Rượu vang thì càng qúy phái, sang trọng, đắt tiền bao nhiêu, càng có hương thơm nồng nàn quyến rũ bấy nhiêu. Chỉ cần nâng ly khoắng lên một chút để oxygen trong không khí tác động vào chất rượu là mùi thơm sẽ bốc lên ngào ngạt để khứu giác của ta thưởng thức.

Và cũng tương tự như đàn bà, rượu vang rất tươi mát hăng say khi còn trẻ nhưng càng để lâu thì vị chua (acidity) và vị chát (tannin) trong rượu càng lắng dịu xuống (mellow down), vị ngọt ngào của rượu trở thành đậm đà hơn, và cái dư vị dư hương (aftertaste) còn để lại trên cuống lưỡi tiếp theo sau ngụm rượu càng khiến cho ta ngây ngất.

Uống rượu vang với đàn bà có chừng ấy điều thích thú mà các vị sĩ phu hồi xưa – vì chịu ảnh hưởng nặng của cái thành kiến cổ hủ trọng nam khinh nữ – đã không dám mời phái đẹp cùng uống nên thua thiệt rất nhiều. Trường hợp điển hình là ông Lý Bạch những lúc không có lũ bạn nam nhi thì đành ngồi rót rượu dưới trăng uống một mình với bóng.

Tôi chẳng hiểu quý vị đọc những bài Nguyệt Hạ Độc Chước của ông hay ho ra sao, chứ tôi thấy uống rượu kiểu đó thực sự là chán. Nâng chén mời trăng thì trăng không thèm uống, còn cái bóng thì cứ quẩn theo chân mình. Giả như có người đẹp đối ẩm có phải là hào hứng và thú vị biết bao!

Điều đáng mừng là những người bạn mà tôi quen biết hồi sau này mỗi khi muốn thưởng thức cơm Tây rượu chát – dù là ở tiệm ăn hay ở nhà bằng hữu – đều cảm thấy cần phải có phu nhân hay bạn gái đi cùng để chia sẻ thì mới thật là vui.

Cái khuynh hướng mới này khác hẳn với thói quen của đám nam nhi hào khách trước đây vài chục năm là chỉ uống với nhau thôi. Xét như vậy thì thi sĩ Vũ Hoàng Chương, ở vào thời đại tương đối còn cổ hủ của ông, đã tiến bộ hơn chúng ta nhiều lắm. Nhà thơ họ Vũ chắc đã phải có những lúc được ngồi uống rượu rất thích thú với người tình nên đến khi nàng không còn ở bên ông nữa thì ông mới làm thơ nuối tiếc:

Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai?

Vậy thì những ai trong bọn đàn ông chúng ta còn may mắn có em bên cạnh tại sao lại không mời nàng ra một quán ăn nho nhỏ đầy ấm cúng thân mật ngay buổi tối hôm nay, kêu một chai rượu vang ngon để nhâm nhi với nàng và đồng thời thưởng thức màu rượu đỏ ánh lên môi, lên má nàng cho cuộc đời thêm tình tứ lãng mạn phần nào?

Rượu vang, “Món quà của các vị thần”, đã xuất hiện từ các thư tịch cổ xưa của người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã, tuy nhiên việc thưởng thức rượu vang chỉ được xem là đặc quyền của đàn ông vào thời đó.Người Ai Cập cổ cho rằng phụ nữ uống rượu là hình ảnh của nếp sống phóng túng, bừa bãi. Trong xã hội của người Hy Lạp cổ, thời đại sản sinh ra những buổi tiệc rượu nổi tiếng đã được Plato viết lại, phụ nữ uống rượu bị khép vào tầng lớp hạ lưu, làm những công việc thấp hèn, man rợ. Những đạo luật cấm rượu hà khắc được nâng đến đỉnh điểm vào thời La Mã, khi phụ nữ không được chạm vào bình rượu, dù chỉ là để phục vụ. Trong thời gian đó, các nhà lãnh đạo La Mã nổi tiếng hào hoa với những bữa tiệc liên tu bất tận. Đến nỗi nhà hiền triết nổi danh Cicero đã miêu tả bữa tiệc tại nhà của Marcus Antonius, chính trị gia cũng là nhà quân sự đóng vai trò to lớn trong lịch sử La Mã như sau: “Ngôi nhà của ngài rung chuyển bởi những tiếng ồn ào của nhưng tên bợm say xỉn. Sàn nhà ngập ngụa những rượu còn các bức tường thấm nhỏ từng giọt rượu vang.”. Tuy nhiên người phụ nữ trong thời đại đó khi bị phát hiện uống rượu sẽ bị chồng li dị và chịu án tử.

Mặc dù phong tục thời cổ đại không hề dung thứ việc phụ nữ uống rượu, nhưng lại có một trường hợp ngoại lệ. Trường hợp đặc biệt này gắn liền cuộc sống với sắc đẹp, quyền lực và những bữa tiệc rượu và cũng kết thúc cuộc sống vì những điều trên. Nữ Hoàng Ai Cập Cleopatra, vị nữ Pharaoh cuối cùng gốc Macedonia tự nhận là nữ thần Isis tái sinh, và vì là một hiện thân của nữ thần tối cao, bà được người đời tin rằng có thể tắm và uống rượu thỏa thích mà tâm hồn vẫn sáng suốt, minh mẫn. Chính sự sống tiệc tùng xa hoa và nét đẹp thần thánh của bà đã lần lượt đánh gục trái tim của hai người đàn ông vĩ đại của La Mã là Julius Caesar và Marcus Antonius. Quân đội La Mã đã kết tội bà dùng “mỹ nhân kế” và tà thuật để chinh phạt toàn cõi Ai Cập. Cleopatra đã phải tự kết thúc mạng sống để không phải đầu hàng dưới chân Augustus Đại Đế.

Mối quan hệ của phụ nữ và rượu vang hàng nhiều thế kỉ về sau vẫn chưa được thành hình. Ngay cả trong thế kỉ 17 -18, chỉ có gái bán hoa mới uống rượu vang ở các quán nhậu dơ bẩn ở Pháp, nơi mà những người phụ nữ đàng hoàng không được đến gần. Mãi cho đến năm 2000, Jurade de Saint-Emilion, hội lâu đời và danh tiếng nhất trong các hội ái hữu ở Bourdeux nhận ra rằng quyền lực của họ dần suy yếu nếu không kết nạp những người có tầm ảnh hưởng trong giới sản xuất rượu vang, trớ trêu đó lại là hai phụ nữ, và họ đã trở thành thành viên nữ đầu tiên của hội sau 800 năm cấm đoán hà khắc.

Trong thời buổi năng động hiện nay không chỉ ở phương Tây mà còn ở châu Á, phụ nữ không gặp trở ngại gì trong việc thưởng thức rượu vang bên cạnh bạn bè người thân sau một ngày làm việc căng thẳng. Theo báo cáo của các quốc gia đã và đang phát triển, thói quen tiêu thụ rượu của phụ nữ tăng đều và nhanh trong những năm trở lại đây. Hình ảnh người phụ nữ uống rượu vang xuất hiện rất nhiều trong ngành giải trí, từ điện ảnh đến màn ảnh nhỏ. Trong bộ phim có kinh phí khủng với hàng chục triệu lượt theo dõi, Game of Thrones, nhân vật Cersei Lannister luôn xuất hiện trong cảnh quay cùng với ly rượu trên tay. Bên cạnh đó, những nhân vật trong các chương trình truyền hình nổi tiếng được phụ nữ yêu mến như Sex and The City, The Good Wife, Friday Night Lights, Bridemaids, Cougar Town đều uống rượu trong hầu như bất kì hoàn cảnh, từ tiệc ăn mừng đến các lễ chia buồn, những khi mệt mỏi trong công việc lẫn gia đình. Hình ảnh người phụ nữ bên ly rượu vang trên các kênh truyền thông đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của văn hóa hiện đại.

Thiên nhiên hoàn toàn tán thành cho mối quan hệ giữa phụ nữ và rượu vang. Khoa học đã chứng minh, tuy có tửu lượng thấp hơn nhưng người phụ nữ được mẹ thiên nhiên ban tặng khả năng cảm nhận hương và vị tinh tế hơn hẳn nam giới. Một nghiên cứu khoa học năm 2014 do viện Khoa Học Sinh Hóa tại Rio de Janero đã chứng minh rằng phụ nữ có tế bào thần kinh khứu giác nhiều gấp rưỡi não bộ đàn ông. Bên cạnh đó đại học Yale đã thu thập đầy đủ số liệu cho thấy phụ nữ cảm nhận vị rõ ràng hơn hẳn phái mạnh. Hai sự ưu đãi này cho phép người phụ nữ trở thành những chuyên gia rượu vang tốt hơn hẳn phái mạnh. Điều này lý giải xu hướng phái đẹp đang dần chiếm ưu thế trong nghề kinh doanh và đánh giá rượu. Hình ảnh sommelier (chuyên gia rượu vang) hàng trăm năm nay gắn liền với khuôn mẫu một người đàn ông luống tuổi sang trọng luôn đeo quanh cổ sợi dây chuyền đính chiếc cốc nếm rượu bằng bạc đã dần thay đổi với những khuôn mặt trẻ hơn, năng động hơn và là phụ nữ.

Tham khảo thông tin về các sản phẩm rượu vang dành cho phái đẹp được cung cấp bởi Đồ uống Plaza tại đây: 

Các loại vang ngọt ( Moscato )

Các loại vang hồng

Tổng hợp các loại vang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *